Lý luận phê bình

Nhiếp ảnh hiện nay nhìn lại để vươn lên

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNA Việt Nam) cũng vậy, năm 2013 vừa qua, bên cạnh vài “tiếng ồn”, Hội vẫn tự hào vì đã có nhiều hoạt động từ sáng tác, triển lãm, đến việc phối hợp cùng các ngành tổ chức nhiều cuộc thi ảnh khá sôi nổi nhưng ấn tượng nhất phải kể đến cuộc thi ảnh Nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam lần thứ 7 năm 2013 (VN-13), đã nhận được hơn 15 nghìn ảnh của gần 1.500 tác giả từ 51 quốc gia tham dự. Đây là cuộc thi ảnh thành công được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Ấn tượng, thành công không chỉ nằm ở các con số. Mà điều nói tới ở đây còn ở khâu tổ chức một cuộc thi ảnh tầm cỡ quốc tế do Việt Nam đăng cai, ngày càng mang tính hệ thống, chuyên nghiệp, nhiều nhận định, ảnh nghệ thuật của Việt Nam ngày càng đẹp hơn.

Nhưng nhìn vào tổng thể, ta vẫn thấy ở nhiều cuộc thi, triển lãm còn chưa nhiều ảnh có nội dung “đỉnh cao”, ít cái nhìn mới, chưa gây được nhiều cảm xúc cho người xem. Đây cũng là điều mà Hội cũng như nhiều người đang quan tâm đến nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam còn trăn trở.

Làm rõ vấn đề này, ngoài những nhà quản lý về văn hóa, chúng ta cần nhìn tổng thể, phân tích kỹ vai trò của những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sáng tác nhiếp ảnh. Những người đó, tôi thường gọi là người của “ba nhà”: nhà nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình, và “nhà giám khảo”. Những người, đã góp phần làm nên diện mạo “hưng thịnh” cho nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

1 – Nhà nhiếp ảnh

Không ngoài ai khác, những người trực tiếp làm nên tác phẩm ảnh nghệ thuật chính là người cầm máy sáng tác. Hiện nay, ở Việt Nam phong trào chụp, sáng tác ảnh lan rộng chưa từng có. Từ những chiếc máy ảnh số cao cấp đến máy ảnh du lịch, điện thoại di động đều có thể cho ra những bức ảnh khá chất lượng. Ai cũng có thể chụp ảnh, chưa kể đến nhiều phần mềm tiện ích làm đẹp ảnh lên hơn rất nhiều.

Chính những điều kiện đó đã thúc đẩy cho nhiếp ảnh lan rộng như ngày hôm nay. Tuy vậy ảnh sáng tác thì rất nhiều, nhưng ảnh chất lượng cao thì ít, bởi chụp ra tác phẩm ảnh là người chứ không phải cái máy. Để có được tấm ảnh tốt còn cần phải có kiến thức về nhiếp ảnh như làm chủ được kỹ thuật, hiểu biết về ngôn ngữ nhiếp ảnh: bố cục, ánh sáng, thời điểm bấm máy… Ngoài ra còn cần có “phông “ văn hóa cao và còn phải có tài năng, năng khiếu về nghệ thuật nữa. Do vậy để có được tác phẩm ảnh có giá trị nghệ thuật cao, thì mỗi người cầm máy phải không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về văn hóa xã hội, để mỗi tác phẩm ảnh không chỉ đẹp về hình thức mà còn sâu sắc về nội dung.

Trong năm qua, Hội NSNA VN nói nhiều đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể, ở một vài tác giả đã xảy ra chuyện tranh chấp bản quyền, hay chuyện đạo ảnh, rồi đến ảnh chắp ghép sai sự thực ngày càng xuất hiện nhiều trong các cuộc thi. Trong đó, có cả những hội viên của Hội. Phải chăng, chính những tác giả này khi dự thi còn nghĩ quá nhiều đến giá trị giải thưởng, ít quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm hội viên…

Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật thì muôn đời không thay đổi. Mỗi người nghệ sĩ cần có trách nhiệm trước tác phẩm – đứa con tinh thần của mình, hay cao hơn là trách nhiệm trước giá trị bản sắc của dân tộc mình. Hãy đừng vì lợi ích cá nhân, lấy tác phẩm “biến hóa” để “sinh lời”, vụ lợi trong mỗi cuộc thi. Những thứ đó, thiết nghĩ chúng chỉ như những mồi lửa thiêu rụi chính người làm ra tác phẩm mà thôi.

Năm 2014 sẽ có nhiều cuộc thi ảnh diễn ra. Mong rằng, Hội không còn phải dùng đến điều luật “đạo đức nghề nghiệp” phân giải.

2 – Nhà lý luận phê bình

Triết lý: “Nếu không có người chụp ảnh thì không có nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh” (LLPB). Nhưng ngược lại, để tác phẩm ảnh có nội dung tốt, định hướng cho sáng tác, phát hiện những cái mới trong sáng tạo nghệ thuật, vai trò của lý luận phê bình ở bất kỳ môn nghệ thuật nào, trong đó có nhiếp ảnh là rất quan trọng. Lý luận phê bình định hướng cho xu thế của cả giai đoạn, giúp người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật tiến theo đà phát triển chung của xã hội.

Chỉ tiếc rằng, ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, vai trò của LLPB nhiếp ảnh chưa được quan tâm, đánh giá cao từ nhiều năm trước. Năm 2013, Hội đã cố gắng thúc đẩy mảng LLPB lên tầm cao mới. Đã có một số cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về LLPB nhiếp ảnh nhưng xem ra hiệu quả chưa được như mong muốn.

Nhìn vào thực trạng, đội ngũ những nhà LLPB nhiếp ảnh hiện nay, gồm hai thế hệ. Thế hệ trước, đa phần được đào tạo ở các nước khối xã hội chủ nghĩa như: NSNA Vũ Huyến, NSNA Chu Chí Thành, NSNA Vũ Khánh, nhà LLPB Nguyễn Văn Thành, nhà LLPB Vũ Đức Tân, nhà LLPB Trần Mạnh Thường, nhà LLPB Nguyễn Huy Hoàng … và cho đến nay, họ vẫn là nòng cốt của đội ngũ những người chuyên sâu tham gia viết LLPB nhiếp ảnh của Hội.

Còn đội ngũ trẻ thì sao? Nổi bật nhất vẫn là các tác giả quen thuộc như: NSNA Việt Văn, NSNA Việt Tiến, NSNA Lưu Quang Phổ, nhà báo Chu Thu Hảo… dường như con số này còn quá ít nếu so với đội ngũ sáng tác chứ chưa nói tới sự nhiệt tình của họ. Vì vậy, Hội NSNA VN cần tìm những giải pháp như phát hiện những tay viết mới để đào tạo, nhằm kế thừa lớp đàn anh đi trước.

3 – “Nhà giám khả”

Vai trò của giám khảo “to” lắm, bởi kết quả của mỗi cuộc thi ảnh sau khi chấm xong, khen, chê nhiều hay ít người ta hay nói đến thành phần ban giám khảo. Hiện nay, thành phần giám khảo ở các cuộc thi ảnh do hội NSNA VN tổ chức hay bảo trợ về nghệ thuật, khá đa dạng. Nhưng đa dạng liệu đã khách quan, đã có chất lượng cao?. Tạm cho là khách quan, nhưng chất lượng thì chưa chắc. Quan trọng là Hội phải chọn cho được những giám khảo có trình độ chuyên môn cao trong cả sáng tác và lý luận và đặc biệt cần công tâm, khách quan để đảm nhiệm công việc thẩm định ảnh. Có như vậy mới nâng tầm được giải thưởng của các cuộc thi và định hướng đúng cho sáng tác, lựa chọn được những tác phẩm thực sự có giá trị.

“Hội đồng nghệ thuật phải dám từ chối”. Đó là tiêu đề bài viết của họa sĩ Vi Kiến Thành trên tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh số 2/2012. Ở đây, tôi ấn tượng với hai chữ “từ chối”. Từ chối, đồng nghĩa với việc, giám khảo không nên bỏ phiếu, khi thấy tác phẩm đó chưa xứng tầm về nội dung cũng như hình thức thể hiện, “Nghệ thuật không thể dễ dãi”. Hay việc giám khảo nên từ chối khi tự thấy mình chưa đủ trình độ ngồi vào chiếc “ghế nóng” giám khảo.

Hiện nay sau mỗi cuộc chấm ảnh, ít vị giám khảo nào có những bài viết về cuộc thi, phân tích cái hay cái dở, yếu tố nào kiến tác phẩm này được giải cao, tác phẩm kia được giải thấp… mà giải thích thỏa đáng về những ý kiến boăn khoăn, thắc mắc của người dự thi. Phải chăng, đây chính là điều cần phải nâng cao trách nhiệm thêm cho những “nhà giám khảo”

Thiết nghĩ, đã đến lúc Hội NSNA Việt Nam cần xây dựng nên một đội ngũ giám khảo “chuyên nghiệp”. Vì chỉ có chuyên nghiệp mới nâng tầm chất lượng, gắn với trách nhiệm cao. Giám khảo đó phải giỏi về chuyên môn, có tay nghề cao, hiểu biết xã hội rộng… Ở mỗi cuộc thi, cần có những vị giám khảo là những nhà LLPB nhiếp ảnh uy tín, làm nòng cốt. Khi cần, giải đáp những thắc mắc mà người dự thi đưa ra.

Xây dựng được đội ngũ giám khảo như vậy cùng với đặt ra được các tiêu chí thẩm định giá trị tác phẩm theo định hướng chung. Tin rằng, việc thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh sẽ đi đến sự đồng thuận cao. Đó chính là con đường rộng mở, góp phần định hướng cho các NSNA sáng tác tốt hơn.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button